Những câu hỏi thường gặp



Vì sao nên lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) nối lưới?


Hệ thống ĐMTMN hiện có 3 loại:


– Hệ thống nối lưới (hoà lưới): Được đấu nối vào lưới điện quốc gia và không có bộ lưu trữ điện (acquy).


– Hệ thống tương tác lưới: Được nối vào lưới điện quốc gia và có bộ lưu trữ điện (acquy).


– Hệ thống độc lập: Không nối vào lưới điện quốc gia và có bộ lưu trữ điện (acquy).


Khách hàng nên chọn hệ thống nối lưới, vì chi phí đầu tư thấp hơn, thời gian hoà vốn nhanh hơn so với 2 loại còn lại. Ngoài ra, hệ thống này không sử dụng bộ lưu trữ điện nên sẽ không gây hại cho môi trường; thao tác vận hành đơn giản, dễ dàng nâng cấp mở rộng hệ thống. Hệ thống cũng tự động ngưng hoạt động trong trường hợp điện lưới mất để đảm bảo an toàn cho lưới điện và người sử dụng.


Đặc biệt, lắp đặt điện mặt trời nối lưới vừa tiết kiệm chi phí điện năng, vừa tăng thêm thu nhập cho chủ đầu tư nhờ bán lại phần điện dư khi phát lên lưới cho ngành Điện.


Nguyên lý hoạt động của hệ thống điện mặt trời nối lưới như thế nào?


Các tấm pin năng lượng mặt trời được gắn trên phần mái của tòa nhà sẽ hấp thu ánh sáng mặt trời chiếu vào và chuyển hóa quang năng thành điện năng.


Phần điện năng 1 chiều (DC) qua Inverter sẽ biến đổi thành dòng điện xoay chiều (AC) chuẩn với lưới điện (220V – 1 pha hoặc 380V – 3 pha).


Điện đầu ra từ hệ thống năng lượng mặt trời sẽ được kết nối trực tiếp vào điểm hòa lưới (tại tủ điện tổng) và hoạt động đồng bộ với điện lưới để cung cấp toàn phụ tải trong tòa nhà. Hệ thống sẽ đồng bộ pha và kết nối giữa điện mặt trời và điện lưới; trong đó, ưu tiên sử dụng điện mặt trời cung cấp trực tiếp cho phụ tải.


Ngày mưa, hoặc không nắng, hệ thống ĐMTMN có hoạt động không?


Trong những ngày mưa hoặc có nhiều mây, hệ thống ĐMTMN vẫn hoạt động nhưng lượng điện năng phát sẽ phụ thuộc vào cường độ ánh sáng.


Lúc này điện lưới sẽ tự động hòa vào để bổ sung lượng điện còn thiếu, đảm bảo cung cấp đủ điện cho phụ tải. Vì thế việc sinh hoạt, sản xuất sẽ không bị gián đoạn.


Ban đêm, hệ thống ĐMTMN có thể tạo ra điện không?


Hệ thống điện mặt trời mái nhà không thể sản xuất điện vào ban đêm. Nếu không muốn sử dụng điện lưới vào thời điểm này, khách hàng có thể nghiên cứu trang bị thêm bộ lưu trữ điện (acquy). Tuy nhiên, chi phí sẽ cao hơn và thời gian hoàn vốn sẽ lâu hơn so với hệ thống nối lưới không có ắc quy lưu trữ. Đó là chưa kể, chi phí thay bộ lưu trữ điện (acquy) khi hết vòng đời sử dụng.


Thông thường, với hệ thống điện mặt trời mái nhà nối lưới, sản lượng điện tạo ra vào ban ngày nếu phụ tải không sử dụng hết sẽ được đẩy lên lưới điện quốc gia để bán lại cho ngành Điện. Phần sản lượng phát lên lưới sẽ được công tơ điện 2 chiều ghi nhận, Điện lực sẽ thanh toán cho khách hàng theo mức giá điện mặt trời mái nhà Chính phủ quy định.


Ngược lại, vào buổi tối hoặc các thời điểm khác trong ngày khi sản lượng điện mặt trời không đáp ứng đủ nhu cầu phụ tải, phụ tải sẽ sử dụng điện từ lưới điện quốc gia.


Lắp đặt ĐMTMN thì có cần dùng điện lưới nữa không?


Điều này phụ thuộc mô hình lắp đặt, nhu cầu sử dụng, quy mô công trình, sản lượng điện mà hệ thống ĐMTMN sản xuất được.


Nếu lắp đặt hệ thống ĐMTMN độc lập với lưới điện quốc gia, có ắc quy lưu trữ và sản lượng điện sản xuất ra đáp ứng đủ nhu cầu phụ tải, thì gia đình không cần sử dụng điện lưới. Nếu sản lượng điện mặt trời không đủ, thì vẫn cần sử dụng thêm điện lưới.


Một hệ thống năng lượng mặt trời kéo dài bao lâu?


Một hệ thống năng lượng mặt trời được xây dựng với các vật liệu chất lượng cao và kỹ thuật xây dựng phù hợp, được bảo trì thích hợp, hoạt động trong 30 năm hoặc hơn. 


Lắp đặt điện năng lượng mặt trời mái nhà cần diện tích bao nhiêu?


Chuyên viên tư vấn điện năng lượng mặt trời của chúng tôi sẽ xem xét hóa đơn tiền điện của bạn và sẽ đưa ra các gói lắp đặt cũng như diện tích phù hợp.